Mụn trứng cá (bệnh trứng cá) là bệnh lý ngoài da thông thường nhưng ảnh hưởng khá lớn đến diện mạo, tâm lý… của người bệnh khi mà lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là thanh thiếu niên với nhu cầu giao tiếp xã hội cao.

Theo thống kê, có tới hơn 80% thanh thiếu niên Việt Nam bị mụn trứng cá. Thực trạng trên không chỉ là mối quan tâm, bức xúc của thanh thiếu niên mà còn của các bậc phụ huynh. Theo khảo sát cho thấy, đa số người bị mụn ở độ tuổi thanh thiếu niên thường có những nhận thức sai lầm trong quá trình điều trị, chăm sóc da khi bị mụn trứng cá. Để tìm hiểu rõ vấn đề này, đồng thời giúp việc điều trị mụn trứng cá hiệu quả hơn, nhóm bác sỹ chuyên khoa Da liễu nêu lên một số sai lầm cần tránh trong quá trình điều trị mụn trứng cá:

- Tự nặn mụn cho nhanh khỏi:

Đây là một thói quen thường gặp ở rất nhiều bệnh nhân bị mụn trứng cá. Khi tự ý nặn mụn, nhất là trong giai đoạn các tổn thương đang viêm nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ lan rộng các ổ viêm sang vùng da lành, đồng thời để lại các vết sẹo thâm trên mặt.

- Sử dụng các loại kem trộn không rõ nguồn gốc trên thị trường, hoặc các loại kem trộn chứa thành phần corticoid:

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ thường sử dụng các loại kem trộn theo truyền miệng mà không rõ nguồn gốc, hoặc tự trộn một số thành phần trong đó có cả corticoid để điều trị mụn trứng cá. Mặc dù trong 1, 2 ngày đầu mụn có vẻ giảm, nhưng sau đó gây nên nhiều phản ứng phụ như: teo da, rạn da, nổi mụn trứng cá đỏ rất nhiều… gây khó khăn trong việc điều trị.

- Dùng xà phòng, chất sát khuẩn mạnh trà sát, rửa mặt nhiều lần trong ngày:

Làn da bị mụn cần được vệ sinh tốt để loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn. Điều này không có nghĩa là bạn nên rửa mặt 5-6 lần trong ngày bằng xà phòng diệt khuẩn hay chất tẩy rửa mạnh. Sự trà sát quá mức sẽ khiến làn da vốn mẫn cảm lại càng dễ bị kích ứng, nổi mụn hơn. Các BS Da liễu khuyến cáo nên sử dụng sản phẩm sữa rửa mặt có pH trung tính, làm sạch nhẹ nhàng, thích hợp với từng loại da. Khi rửa chỉ nên xoa nhẹ nhàng để không kích ứng hoặc làm trầy, xước các mụn đang bị viêm, nên rửa sạch mặt ngay khi ra đường về, thường thì nên rửa 2-3 lần/ ngày.

- Tâm lý nóng vội trong điều trị mụn trứng cá:

Nhiều bạn trẻ thường muốn mụn trứng cá khỏi nhanh nên sử dụng các chế phẩm điều trị mụn trứng cá quá liều: rửa mặt nhiều lần trong ngày, bôi liên tục các chế phẩm chống viêm... Một số người thì thay đổi thuốc liên tục trong 1,2 ngày đầu nếu không thấy khỏi. Các nguyên nhân trên dẫn đến mụn bị kích ứng nhiều hơn, thậm chí nổi thêm mụn trứng cá do vùng da lành bị dị ứng, rát.

- Quan niệm mụn trứng cá đơn giản chỉ do “gan nóng”:

Như chúng ta đều biết, mụn trứng cá biểu hiện trên da là hiện tượng viêm nang lông tuyến bã - là các tuyến nằm dưới da, cạnh lỗ chân lông, bài tiết chất nhờn giúp da mềm mại và có độ ẩm nhất định. Khi các tuyến này tiết nhiều, miệng tuyến bã bị bịt kín do sừng hóa, bụi bẩn… các chất nhờn sẽ tích tụ tạo thành nhân mụn. Trường hợp có sự tác động của vi khuẩn P.acnes có sẵn trong nang lông tuyến bã tăng sinh, của các tụ cầu, P. ovale… bội nhiễm từ ngoài gây nên mụn mủ, mụn bọc. 

Nếu không bị nhiễm trùng thì sẽ tạo thành mụn đầu trắng, bị bịt kín. Khi mụn đầu trắng bị hở ra bên ngoài và gặp hiện tượng oxy hóa thì phần ngoài của nhân mụn sẽ trở thành màu đen, nên gọi là mụn đầu đen. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân làm mụn trứng cá nặng thêm, hoặc tái phát liên tục như: Nhiệt độc tích tụ (cơ thể nóng trong, rối loạn quá trình thanh thải nhiệt độc… ); thay đổi nội tiết; căng thẳng thần kinh (lo âu, mất ngủ); rối loạn tiêu hóa (táo bón, ăn nhiều đồ cay nóng, đường mỡ… ); lạm dụng các mỹ phẩm không hợp với da, các chế phẩm có chứa Corticoid…

Theo quan điểm YHCT, mụn trứng cá (hay còn gọi là Thanh Xuân đậu) do phong nhiệt tích tụ ở kinh phế, hoặc do huyết nhiệt, hoặc do ăn nhiều chất cay nóng, dầu mỡ sinh thấp nhiệt tích tụ trên da, hoặc do tỳ chuyển hoá kém làm giảm quá trình thanh thải nhiệt độc trong cơ thể,… ảnh hưởng tới cân bằng sinh lý da gây nên mụn trứng cá.

Để hạn chế các sai lầm, các BS chuyên khoa da liễu đưa ra phác đồ khuyến cáo chung trong điều trị mụn trứng cá:

- Rửa sạch mặt trước khi đi ngủ, ngay khi ra đường về: Có thể dùng nước sạch hoặc sữa rửa mặt hợp với da, thoa rửa nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Khi ra đường, nên dùng khẩu trang sạch, giảm bụi bẩn gây bít tắc lỗ chân lông.

- Không tự ý cạy, nặn mụn.

- Trường hợp mụn mủ có thể bôi chế phẩm chứa kháng sinh, kháng khuẩn (trường hợp dùng kháng sinh đường uống phải theo chỉ dẫn của bác sỹ), hoặc một số chế phẩm giúp giảm sừng hóa và nhanh tan nhân mụn.

- Kết hợp uống các thảo dược có tác dụng từ từ giúp tái lập cân bằng sinh lý da, tăng hiệu quả điều trị mụn trứng cá của các thuốc tác dụng tại chỗ. Từ đó tạo tác dụng hiệp đồng giúp mụn trứng cá nhanh khỏi hơn đồng thời giảm nguy cơ mụn mọc thêm và tái phát.

- Đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hạn chế stress.

Trường hợp viêm da nặng, người bệnh nên đến viện, phòng khám chuyên khoa da liễu để khám và điều trị.