Các yếu tố về chủng tộc, di truyền, điều kiện môi trường, khí hậu... có thể làm cho màu sắc của da thay đổi sáng hay sậm màu tùy từng người, nhưng chế độ dinh dưỡng có thể mang đến cho làn da sự trẻ trung, mịn màng
Một làn da đẹp phải có các yếu tố: căng, mịn màng, hồng hào, đàn hồi tốt. Mỹ phẩm dưỡng da và một số biện pháp massage cũng có thể giúp da trở nên đẹp hơn, tuy nhiên nền tảng quan trọng nhất để có một làn da đẹp lại là sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng. Có thể nói rằng da là tấm gương phản ánh sức khỏe nói chung.
Sự mịn màng của làn da phụ thuộc vào sự họat động của các tuyến bã nhờn dưới da. Trừ giai đoạn dậy thì có thể có nhiều mụn trứng cá tạm thời, ở những giai đoạn khác, bất cứ nguyên nhân nào, trong đó có cả thực phẩm nếu làm gia tăng sự hoạt động của tuyến dưới da đều có thể làm da trở nên nhờn, nhiều mụn, lỗ chân lông nở to và làm da xấu đi.
Da hồng hào, căng giãn, đàn hồi tốt khi được nuôi dưỡng tốt từ bên trong, và phụ thuộc vào tình trạng các tổ chức dưới da như: mô mỡ dưới da, mạch máu nuôi dưỡng da... Tình trạng thiếu dinh dưỡng làm mô mỡ dưới da giảm, các mạch máu đến nuôi da ít đi, da có thể trở nên khô, nhăn nheo và màu da thường sạm hơn. Ngược lại, tình trạng thừa dinh dưỡng lại làm da căng giãn quá mức, có khi gây ra các vết rạn trên da, da thường hay bị bóng nhờn do gia tăng hoạt động của các tuyến tiết nhờn. Thiếu máu dinh dưỡng, thường gặp nhất là thiếu máu thiếu sắt thường làm da tái nhợt, xanh xao, có khi xuất hiện các vết nám trên da rất khó hồi phục.
Những tác nhân bên ngoài có thể làm tàn phá làn da như: nắng, nóng, bụi khói, mỹ phẩm chất lượng kém và cả một số thói quen không tốt cho da như: thức khuya, sự gắt gỏng bực bội kéo dài... Do đó, bạn cần hết sức chú ý.
Một chế độ ăn tốt nhất cho việc duy trì, bảo vệ vẻ đẹp của làn da khỏi sự tàn phá của thời gian và tác hại của môi trường là một chế độ ăn gồm:
Nhiều rau, trái cây tươi (giàu các chất chống oxy hóa như vitamin E, bêta-Caroten, viatamin C, các chất xơ).
Đầy đủ các loại đậu đỗ, mè (giàu Vitamin E, các acid béo thiết yếu)
Ăn đủ các loại thức ăn động vật (chứa nhiều chất sắt, chất đạm).
Uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày, tốt nhất từ 2-3 lít.
Tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, thức uống có cồn, thuốc lá, cà phê, phòng ngừa tình trạng táo bón do ăn thiếu chất xơ, thiếu nước..